Bài phóng sự thế giới

Giảm tham nhũng và tăng cường minh bạch, vấn đề sống còn của ổn định và thịnh vượng toàn cầu

Tuyên bố chung về tầm quan trọng của Ngày Chống Tham nhũng Quốc tế

Điều này đã được xuất bản trong 2010 to 2015 Conservative and Liberal Democrat coalition government
Foreign Secretary William Hague

Foreign Secretary William Hague

Ngoại trưởng Anh William Hague, Bộ trưởng phụ trách về phòng chống tham nhũng Ken Clarke và Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Justine Greening cùng ra tuyên bố về tầm quan trọng của Ngày Chống Tham nhũng Quốc tế.

Giảm tham nhũng và tăng cường minh bạch là vấn đề sống còn đối với việc nâng cao sự ổn định và thịnh vượng trên toàn cầu. 2013 cũng là năm đánh dấu 10 năm thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Chống Tham nhũng, một chuẩn mực mà chúng ta khuyến khích cộng đồng quốc tế tuân thủ và phát huy.

Ngoại trưởng Anh cho biết: “Giảm tham nhũng và tăng cường minh bạch là trọng tâm của chương trình nghị sự của chính phủ Anh. Thông qua vai trò là Chủ Tịch nhóm G8 trong năm nay, Vương quốc Anh đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về tăng cường minh bạch trong lĩnh vực thuế, xử lý việc lạm dụng quyền sở hữu và các quy định pháp chế của các công ty lớn. Anh cũng đã công bố kế hoạch thiết lập hệ thống đăng ký các cổ đông lớn của các doanh nghiệp Anh.

“Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế ra mắt tuần trước cho thấy Anh đã cải thiện vị trí của mình trong Bảng Chỉ số Cảm nhận về Tham nhũng. Đó là một tin vui phản ánh những công việc mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm phòng chống tham nhũng ở cả trong nước và nước ngoài.”

Ông Ken Clarke bổ sung: “Tôi rất tự hào về việc Chính phủ Anh đã ban hành Luật Chống Hối lộ, một văn bản luật hàng đầu thế giới giúp tạo ra cơ chế hiện đại nhằm xử lý các tội đưa hối lộ ở Anh và ở nước ngoài, và trên thực tế văn bản này đã dẫn đến nhiều trường hợp phạm tội bị kết án.

“Với tư cách là Bộ trưởng phụ trách về phòng chống tham nhũng, tôi sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan trong Chính phủ để đưa ra xử lý những cá nhân rửa tiền tham nhũng thông qua hệ thống tài chính của Anh. Chúng tôi hiện đang theo dõi các khoản tiền bị mất cắp từ các nước Mùa Xuân Ả-rập.”

“Tuy nhiên nếu Vương quốc Anh muốn nâng cao vị thế của mình ở trong nước và giảm tham nhũng ở nước ngoài thì vẫn còn nhiều việc nữa cần làm. Việc thành lập Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia sẽ tiếp tục công việc quan trọng này theo đúng tinh thần của Chiến lược Phòng chống Tội phạm Nguy hiểm Có tổ chức vừa được ban hành. Chúng tôi cũng cần tiếp tục nâng cao nhận thức quốc tế về tính toàn diện và chặt chẽ của Luật Chống Hối lộ của mình.”

Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Justine Greening cho biết: “Khi tham nhũng xảy ra ở các nước đang phát triển, những người nghèo nhất là những người chịu tác động nặng nề nhất. Tham nhũng cản trở đầu tư, ngăn cản người dân tiếp cận các dịch vụ và hỗ trợ cần thiết để phát triển kinh tế và chấm dứt phụ thuộc vào viện trợ.

“Loại bỏ tham nhũng, gian lận, rửa tiền và trốn thuế là một phần quan trọng trong các hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi đang hướng tới xử lý những nguyên nhân gốc rễ và sẽ hỗ trợ cảnh sát Anh đưa tội phạm ra công lý.”

Bộ Phát triển Quốc tế Anh hiện đang có các chương trình hỗ trợ chống tham nhũng tràn lan, gian lận và lợi dụng công quỹ ở 29 nước ưu tiên.

Bên cạnh đó, Bộ Phát triển Quốc tế còn hỗ trợ các đội đặc nhiệm thuộc Cảnh sát Đô thành, Cảnh sát London, Viện Công tố Hoàng gia và Cơ quan Phòng chống Tội phạm Nghiêm trọng Có tổ chức để ngăn chặn tội phạm nước ngoài và tội phạm Anh thu lợi từ những hành vi tham nhũng ở các nước đang phát triển. Từ năm 2006 đến nay hơn 100 triệu bảng Anh đã được giữ lại, tạm thời thu giữ hay tịch thu vĩnh viễn, và gần 14 triệu Bảng Anh đã được hoàn trả cho các nước đang phát triển.

Để biết thêm thông tin, hãy liên hệ với Quản lý Truyền thông của Đại Sứ Quán Anh, chị Đinh Thu Hương, Tel. 3936 0500 ext 2227; email: dinh.huong@fco.gov.uk

Ngày xuất bản 9 December 2013