Bài phóng sự thế giới

Đưa nghiên cứu từ bàn giấy tới thị trường

Chương trình đào tạo Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu (LIF) xây dựng năng lực chuyên môn và lòng tự tin cho các nhà nghiên cứu, giúp họ đưa kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường. Chương trình được tài trợ bởi Quỹ Newton thông qua Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và các tổ chức đối tác địa phương, trong đó có các tổ chức của Việt Nam.

LIF

Hàng năm, Việt Nam đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên khoảng cách từ nghiên cứu đến thương mại hoá sản phẩm vẫn khá lớn.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, trong khuôn khổ Quỹ Newton, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (RAEng) đã thiết kế Chương trình Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu (LIF) nhằm xây dựng năng lực chuyên môn, sự tự tin và bộ kỹ năng cho các nhà nghiên cứu ở các nước đối tác, giúp họ đưa kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường.

Với sự hợp tác của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm thứ 4 của chương trình, 13 nhà nghiên cứu Việt Nam với những sản phẩm nghiên cứu có ý nghĩa kinh tế-xã hội, đã được lựa chọn tham gia khóa đào tạo tập trung kéo dài hai tuần tại London từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 12 năm 2017 cùng với các đồng nghiệp Malaysia và Mexico. Mục tiêu ngắn hạn của khóa học là xây dựng bản kế hoạch kinh doanh cho mỗi giải pháp sáng tạo. Về trung hạn, trong ít nhất 6 tháng, các học viên sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ở các mức độ khác nhau (tại cơ quan làm việc, tư vấn từ xa của các chuyên gia Anh cũng như kết nối với mạng lưới các chuyên gia và cố vấn quốc tế) để đưa kế hoạch thương mại hoá vào thực tế.

Trong suốt khóa đào tạo được đánh giá là “thân thiện, nhẹ nhàng, chuyên sâu”, các học viên đã tiếp cận các chuyên đề đa dạng, giúp xây dựng kiến thức nền tảng về tiếp thị và mô hình kinh doanh đồng thời luyện các kỹ năng như đàm phán và thương thuyết. Khóa học sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt với nhiều công cụ sáng tạo (ảnh, vẽ tranh, và thậm chí sử dụng xèng casino để làm bài tập tình huống) nhằm giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới.

Mỗi học viên có một cố vấn riêng trong suốt khóa học và việc tư vấn sẽ được tiếp tục duy trì trong giai đoạn sau của chương trình. Giảng viên và huấn luyện viên của chương trình đều là các chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động của mình, với mạng lưới rộng khắp Vương quốc Anh và quốc tế, đến từ Oxentia (Công ty tư vấn Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ của Đại học Oxford) cũng như các trường đại học và các viện nghiên cứu hàng đầu, các công ty công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty tư vấn của Vương quốc Anh.

Cuối khóa học, mỗi học viên thuyết trình kế hoạch kinh doanh trước hội đồng giám khảo bao gồm các học giả và chuyên gia của Viện Hàn lâm. Buổi thuyết trình được đánh giá là mô phỏng rất tốt bối cảnh của một phiên gọi vốn và thực sự căng thẳng, buộc người tham gia phải tận dụng tất cả những kiến thức và kỹ năng đã học.

Cùng với việc hoàn thành khóa học, tất cả các cá nhân tham gia chương trình LIF cũng tự động được gia nhập hệ thống rộng lớn các nhà sáng chế và cố vấn quốc tế thuộc Tổ hợp Doanh nghiệp của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia, mở ra cánh cửa tham gia mạng lưới các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng của Vương quốc Anh và toàn cầu.

Các học viên Việt Nam chia sẻ:

Một phần quan trọng của chương trình là chúng tôi được học kỹ lưỡng về kinh doanh và cách lập kế hoạch kinh doanh. Các huấn luyện viên cũng giúp chúng tôi kết nối với các đơn vị của Anh hiện đang điều hành các hoạt động kinh doanh tương tự những gì chúng tôi làm. Điều này giúp xây dựng một mạng lưới tốt cho tương lai phát triển của chúng tôi.

Tiến sỹ Tim Hart, Giảng viên và Điều phối viên Chương trình tại Oxentia nhận xét:

Chương trình LIF là một chương trình đào tạo độc đáo và nặng tính thực hành về thương mại hóa công nghệ. Khóa học nhấn mạnh vào sự thiết thực và tạo cơ hội cho các học viên áp dụng kiến thức mới trong suốt thời gian tham gia. Các bước hỗ trợ tiếp theo sau khóa học và việc trở thành thành viên của một cộng đồng đổi mới toàn cầu sẽ cung cấp thêm cho mỗi nhà nghiên cứu/doanh nhân những tư vấn cụ thể. Chương trình LIF liên tục đổi mới và chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi của các học viên để nâng cao giá trị và tác động của chương trình qua từng năm.

Chương trình LIF dự kiến sẽ mở đợt mời hồ sơ tiếp theo vào mùa hè 2018.

Về Quỹ Newton

Quỹ Newton hợp tác với 18 quốc gia nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia này vì mục tiêu phát triển bền vững. Quỹ có tổng kinh phí 735 triệu bảng từ Chính phủ Anh và nguồn đóng góp đối ứng từ các nước đối tác đến năm 2021. Về phía Vương quốc Anh, Quỹ Newton do Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) quản lý và được 15 tổ chức chuyên môn triển khai trực tiếp.

Chương trình đào tạo Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh triển khai trực, nằm trong khuôn khổ Quỹ Newton.

Tìm hiểu thêm tại [website] (http://.newtonfund.ac.uk) của Quỹ Newtonvà Twitter: @NewtonFund.

Về Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (RAEng)

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh là một trong số bốn Viện Hàn lâm quốc gia của Vương quốc Anh, có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tính ưu việt trong các ngành kỹ thuật. Viện mang đến sự kết hợp độc đáo giữa tính độc lập và năng lực chuyên môn cao, thông qua các chương trình tài trợ, các quan hệ hợp tác song phương và vai trò thành viên trong mạng lưới các viện hàn lâm và các tổ chức quốc tế khác.

Tìm hiểu thêm tại website của RAEng.

Danh sách 13 thành viên của Việt Nam tham gia khóa LIF 2017 tại London

  1. ThS. Dương Hương Quỳnh, Trung tâm phát triển công nghệ cao - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Sản phẩm “Thuốc trừ sâu thảo mộc thân thiện với môi trường, phục vụ sản xuất thực phẩm sạch và nông nghiệp bền vững”

  2. TS. Đào Thị Nhung - Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội – Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ trong chế tạo và thương mại hóa dây chuyền bảo quản nông sản sau thu hoạch quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam”

  3. ThS. Đinh Đức Hùng - Công ty CP Viện Công nghệ Hà Nội - Sản phẩm “Hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử”

  4. TS. Hồ Lệ Thi - Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long - Sản phẩm “Ứng dụng N-trans Cinnamoyltyramine (NTCT) để kiểm soát cỏ dại trong ruộng lúa nước”

  5. TS. Lê Quốc Trung - Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM - Sản phẩm “Thiết bị theo dõi và tiên lượng ngưng thở khi ngủ và rung nhĩ nguy cơ”

  6. TS. Ngô Tất Trung - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Sản phẩm “Thiết lập phương pháp loại bỏ DNA người, làm giàu DNA vi khuẩn - ứng dụng cho chẩn đoán các mầm bệnh vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp”

  7. TS. Nguyễn Thị Vân Anh - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Sản phẩm “Bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao kháng thuốc”

  8. ThS. Nguyễn Thu Hồng - Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Sản phẩm “Myosin, kĩ thuật tạo gel và chả cá hữu cơ: chả cá an lành cho người Việt”

  9. CN. Phạm Ngọc Anh Tùng - Công ty Demeter Việt Nam - Sản phẩm “Hệ thống giám sát và điều khiển qua Internet 4.0 trong Nông nghiệp”

  10. TS. Phan Tiến Dũng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Sản phẩm “Thủy tinh tellurit thế hệ mới ứng dụng cho LED trắng”

  11. TS. Trần Ngọc Minh Quyên - Đại học Quốc Tế - Đại Học Quốc Gia TP. HCM - Sản phẩm “Nâng cao hiệu quả của quá trình ủ phân compost hiếu khí của rác thải sinh hoạt bằng cách dùng vi sinh vật có ích và thiết bị ủ cải tiến”

  12. TS. Trương Quốc Phong - Đại học Bách khoa Hà Nội - Sản phẩm “Que thử phát hiện nhanh virus rota (BK-Rota) và quy trình tạo ra que thử này & Chủng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens DPXS12 tái tổ hợp sinh tổng hợp CoQ10 và quy trình tạo ra chủng này”

  13. TS. Vũ Thị Thu Hường - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương - Sản phẩm “Bộ sinh phẩm PCR-sắc ký DNA chẩn đoán C. Difficile gây tiêu chảy sau dùng kháng sinh”

Ngày xuất bản 27 February 2018