Hướng dẫn

Quỹ Newton Việt Nam mời nộp hồ sơ chương trình đào tạo “Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu – Leaders in Innovation Fellowships” năm 2017

Hạn cuối nộp hồ sơ là 17:00 ngày 14 tháng 9 năm 2017 (giờ Việt Nam).

Trong khuôn khổ Quỹ Newton Việt Nam năm thứ 4, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Viện Hàn lâm/Royal Academy of Engineering) mời các nhà khoa học, các nhà sáng chế Việt Nam có sản phẩm sáng tạo có tiềm năng thương mại hóa nộp hồ sơ tham gia chương trình đào tạo “Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu của nhà khoa học” (Chương trình “Leaders in Innovation Fellowships”).

Mục tiêu của chương trình là đào tạo nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đối tượng thụ hưởng của chương trình là các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh cho sản phẩm sáng tạo của mình.

I. Nội dung chương trình

Chương trình LIF Việt Nam năm 2017 được thiết kế gồm các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Đào tạo cơ bản về thương mại hóa kết quả nghiên cứu trước chuyến tập huấn tại Vương quốc Anh, do Cục PTTTDN phối hợp với các giảng viên đến từ Vương quốc Anh thực hiện.

  • Giai đoạn 2: Tập huấn trong 2 tuần từ 4-15/12/2017 tại London, Vương quốc Anh cho 14 nhà sáng chế Việt Nam và 1 đại diện của Cục PTTTDN, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế và sự bảo trợ của Viện Hàn lâm. Khóa học sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cập nhật về mô hình kinh doanh khoa học công nghệ, phát triển và thuyết phục khách hàng, dựa trên kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Vương quốc Anh. Các học viên cũng sẽ có cơ hội tham vấn, thực hành và kết nối với mạng lưới chuyên gia của Viện Hàn lâm và các nước khác tham gia Quỹ Newton.

  • Giai đoạn 3: Các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tại Việt Nam cho các nhà sáng chế Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Cục PTTTDN và sự cộng tác của các Viện Nghiên cứu/Trường Đại học có ứng viên tham gia.

II. Tiêu chí hợp lệ tham gia chương trình

Các nhà nghiên cứu muốn nộp hồ sơ tham dự chương trình cần đáp ứng các tiêu chí hợp lệ sau:

  1. Có quốc tịch Việt Nam, hiện đang cư trú và làm việc tại Việt Nam;

  2. Là nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu, trường Đại học (công lập hoặc ngoài công lập); hoặc là nhà nghiên cứu độc lập có phát minh được Nhà nước công nhận; hoặc là nhà nghiên cứu làm việc trong bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học và công nghệ;

  3. Có sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ sáng tạo có tiềm năng thương mại hoá và đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, ưu tiên các sản phẩm dựa trên nền tảng nghiên cứu kỹ thuật;

  4. Có sản phẩm tối thiểu phải ở giai đoạn vật mẫu (prototype);

  5. Có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

III. Tiêu chí đánh giá

  1. Lĩnh vực nghiên cứu: không giới hạn. Tuy nhiên, ưu tiên dành cho các nghiên cứu kỹ thuật trong những lĩnh vực sau: i) Y tế và khoa học sự sống; ii) Nông nghiệp; iii) Môi trường và năng lượng; iv) Kỹ thuật đô thị/Đô thị hoá; v) Kỹ thuật số và các giải pháp sáng tạo nói chung;

  2. Chất lượng, tính mới và hiệu quả của giải pháp sáng tạo;

  3. Tính khả thi, kích thước thị trường mục tiêu và khả năng lợi nhuận tiềm năng của mô hình kinh doanh;

  4. Những đóng góp tiềm năng và thực tế cho sự phát triển kinh tế và xã hội cấp địa phương/ vùng/ quốc gia;

  5. Chứng chỉ, kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp và tinh thần kinh doanh của ứng viên;

  6. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của ứng viên;

  7. Khả năng và sự sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu khác về thương mại hoá công nghệ và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam của ứng viên.

IV. Thời gian dự kiến

  • Từ 04/08 đến 14/09/2017: Nhận các bản Đề xuất ý tưởng; đồng thời sàng lọc và phỏng vấn sơ loại để chọn một danh sách ngắn gồm 30-35 hồ sơ hợp lệ và có tính cạnh tranh nhất.

  • Ngày 17/08/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức buổi tư vấn và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo tiêu chí của chương trình để giới thiệu và giải đáp thông tin về chương trình cho các ứng viên.

  • Ngày 22/08/2017 tại Hà Nội: Tổ chức buổi tư vấn và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo tiêu chí của chương trình để giới thiệu và giải đáp thông tin về chương trình cho các ứng viên.

  • Từ 26 đến 27/09/2017 tại Hà Nội: Tổ chức khoá đào tạo định hướng với sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên Vương quốc Anh và Việt Nam, và giao lưu với học viên các khóa trước, dành cho các ứng viên trong danh sách ngắn;

  • Từ 28/09 đến 04/10/2017: Nhận Hồ sơ chi tiết của các ứng viên trong danh sách ngắn.

  • Từ 09 đến 11/10/2017: Họp hội đồng chuyên gia Việt Nam để đánh giá hồ sơ chi tiết và phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến với các ứng viên;

  • Từ 13/10 đến 03/11/2017: Các chuyên gia của Viện Hàn lâm đánh giá hồ sơ của 20-25 ứng viên do Cục PTTTDN giới thiệu, và ra quyết định tuyển chọn cuối cùng;

  • Từ 06/11/2017: Thông báo danh sách cuối cùng các nhà nghiên cứu được lựa chọn;

  • Từ 04 đến 15/12/2017: Thực hiện chương trình đào tạo tại Vương quốc Anh;

  • Từ tháng 12/2017: Thực hiện các hoạt động tiếp theo tại Việt Nam.

V. Chi phí và các khoản tài trợ

1. Tài trợ từ Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh

  • Chi phí cho giảng viên Anh cho khóa học tại Hà Nội ngày 26/9/2017;
  • Vé máy bay khứ hồi giữa Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh và London cho các học viên;
  • Chi phí đi lại và ăn ở trong 2 tuần đào tạo tại Vương quốc Anh;
  • Chi phí giảng viên cho khóa học tại Vương quốc Anh.

2. Tài trợ từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ

  • Tổ chức và cung cấp giảng viên Việt Nam cho khóa học tại Hà Nội ngày 26-27/9/2017.
  • Hỗ trợ học viên tham gia các diễn đàn và sự kiện kết nối về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

3. Các khoản chi phí tự túc của ứng viên

  • Các chi phí đi lại và ăn ở của cá nhân (ứng viên tự sắp xếp) để tham gia khoá tập huấn tại Hà Nội, dự kiến vào ngày 26-27/9/2017.

  • Phí visa và bảo hiểm du lịch cá nhân bắt buộc cho khóa học tại Anh.

VI. Phương thức dự tuyển

Bước 1. Nộp đề xuất ý tưởng

  • Nộp đề xuất ngắn gọn, trực tuyến tại đây.
  • Sau khi điền hồ sơ trực tuyến, các ứng viên vui lòng gửi email xác nhận và các chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, chứng chỉ tiếng Anh (nếu có) tới địa chỉ email: lif.natec@gmail.comnewtonfund.vietnam@fco.gov.uk
  • Hạn cuối nộp đề xuất: 17h00 ngày 14/09/2017 (giờ Việt Nam).
  • Lưu ý: chỉ những hồ sơ đạt tiêu chí hợp lệ sẽ được xem xét.

Bước 2. Nộp hồ sơ chi tiết

Bước này chỉ dành cho những ứng viên được lựa chọn vào danh sách ngắn. Hướng dẫn chi tiết sẽ được gửi tới các ứng viên qua email khoảng 5-7 ngày sau hạn nộp đề xuất ý tưởng.

VII. Liên hệ:

Để biết thêm thông tin về chương trình, xin liên hệ:

  • Đỗ Hải Minh Ngọc, Chuyên viên Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục PPTTDN. Điện thoại: 024 3943 6865, email: dhmngoc@most.gov.vn
  • Phan Liên Hương, Quản lý Chương trình Nghiên cứu, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 0597; email: phan.huong@fco.gov.uk

Thông báo mời nộp hồ sơ này cũng đã được đăng trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương trình LIF

Mời xem thêm thông tin chung về chương trình tại “Leaders in Innovation Fellowships” programme (PDF, 250 KB, 2 pages).

Quỹ Newton

Quỹ Newton (Vương quốc Anh) hợp tác với 18 quốc gia nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia này vì mục tiêu phát triển bền vững. Quỹ có tổng kinh phí 735 triệu bảng từ Chính phủ Anh và nguồn đóng góp đối ứng từ các nước đối tác đến năm 2021.

Về phía Vương quốc Anh, Quỹ Newton do Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) quản lý và được 15 tổ chức chuyên môn (Hội đồng Nghiên cứu, các Viện Hàn lâm, Hội đồng Anh, Innovate UK và Cơ quan Khí tượng Anh triển khai trực tiếp.

Xin mời xem thêm và theo dõi thông tin tại websiteTwitter của Quỹ Newton.

Ngày xuất bản 14 August 2017