Bài phóng sự thế giới

Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam phòng, chống buôn bán người

Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội đã cùng với các thành viên của Mạng lưới phòng, chống buôn bán người tại Việt Nam cam kết nâng cao nhận thức về buôn bán người nhằm mục đích cưỡng hôn, một tội ác mà nạn nhân phần lớn là thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

World Day Against Trafficking in Persons

Tuyên bố chung của Mạng lưới phòng chống buôn bán người phản ánh cam kết của Mạng lưới nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề buôn bán người cũng như hợp tác để cải thiện các chính sách và chương trình phòng chống buôn bán người tại Việt Nam. Mạng lưới phòng chống buôn bán người sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ để phản ánh đầy đủ các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống nạn buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán ở Việt Nam.

Mạng lưới phòng chống buôn bán người ở Việt Nam, bao gồm đại diện từ các bộ/ngành của Chính phủ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức xã hội dân sự.

Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung:

Tuyên bố chung của mạng lưới phòng, chống buôn bán người hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tại Việt Nam

Buôn bán người là một tội phạm tàn ác ảnh hưởng đến hàng triệu người. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 21 triệu người trên thế giới được ước tính là nạn nhân bị cưỡng bức lao động, thu 150 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm. Trên thế giới, mỗi năm có 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán, trong đó buôn bán phụ nữ và trẻ em trong và từ các quốc gia Đông Nam Á chiếm 1/3 tổng số người bị buôn bán trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có hàng chục ngàn nạn nhân bị buôn bán được phát hiện và báo cáo hàng năm (nguồn: UNODC 2016). Số liệu thực tế cho thấy những người bị buôn bán hoặc bị lao động cưỡng bức hay nô lệ có thể còn cao hơn nhiều so với con số được báo cáo.

Người bị buôn bán có thể bị cưỡng ép để bóc lột tình dục, lao động lệ thuộc, nô dịch trong gia đình, hay vì mục đích hôn nhân. Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán trong nước và qua biên giới tăng lên. Mặc dù một số có thể tự xoay sở để thoát thân, song phần lớn vẫn ở trong cảnh bị bóc lột.

Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã chọn ngày 30 tháng 7 là Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Chính phủ chọn ngày này trùng với Ngày Thế giới phòng, chống buôn bán người của Liên Hợp Quốc nhằm nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của nạn nhân bị buôn bán, thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Năm 2017 là năm thứ hai Việt Nam hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người và chủ đề của năm nay là “Phòng chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài”.

Mạng lưới phòng chống buôn bán người ở Việt Nam, bao gồm đại diện từ các bộ/ngành của Chính phủ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức xã hội dân sự đang rất quan tâm đến số lượng phụ nữ Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài ngày một tăng thông qua hôn nhân cưỡng bức và từ đó bị lạm dụng, bóc lột sức lao động.

Phụ nữ trẻ và trẻ em gái, những người nghèo và ít được tiếp cận với thông tin, là đối tượng có nguy cơ cao bị buôn bán theo hình thức này. Để đáp ứng nhu cầu làm vợ ở một số nước trong khu vực, những kẻ buôn người thường chọn nạn nhân là trẻ em gái và phụ nữ trẻ, thường ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, lừa dối họ bằng những lời hứa như sẽ có nhà to và cơ hội làm việc với thu nhập cao. Sau khi bị bắt cóc hoặc lừa gạt qua biên giới, những phụ nữ và trẻ em gái này bị bán và bị ép hành nghề mại dâm hay ép kết hôn, từ đó bị bóc lột lao động và các hình thức lạm dụng khác. Những kẻ buôn người thường là người quen của nạn nhân, có thể là họ hàng hay người trong cộng đồng, hoặc là thành viên của các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, những kẻ phô trương tài sản để lừa những người có nguy cơ trở thành nạn nhân tin vào chúng. Những kẻ buôn người thu được lợi nhuận khổng lồ từ sự đau khổ của nạn nhân.

Các thành viên của Mạng lưới phòng chống buôn bán người tại Việt Nam làm việc không mệt mỏi để giảm bớt nguy cơ trở thành nạn nhân dưới hình thức này. Mạng lưới cam kết hợp tác trong nỗ lực bắt giữ và truy tố những kẻ buôn người, giúp đỡ hồi hương và tái định cư cho những người sống sót. Bất chấp những nỗ lực đó, các thành viên của Mạng lưới vẫn tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp từ những nạn nhân bị buôn bán.

Mạng lưới phòng chống buôn bán người ủng hộ Chính phủ Việt Nam đã nâng cao nhận thức về loại tội phạm nghiêm trọng này, và hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ nhằm chống lại hình thức buôn người mà trong đó những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng của chúng ta là nạn nhân.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong công cuộc phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân. Việt Nam đã xây dựng được một khung pháp lý vững chắc về phòng chống buôn bán người; phê duyệt Bộ luật hình sự sửa đổi với các điều khoản liên quan đến buôn bán người tiệm cận hơn với định nghĩa quốc tế; phê duyệt và thực hiện ba Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng, chống buôn bán người; ký kết và thực hiện một số hiệp định song phương về phòng chống buôn bán người với các nước láng giềng trong khu vực; tham gia vào Sáng kiến phối hợp liên Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong; và phê chuẩn Nghị định thư của Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa, Trấn áp và Trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Gần đây, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, tội phạm buôn bán người tại Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, với những kẻ buôn người sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để lừa gạt nạn nhân và chống đối lực lượng thực thi pháp luật. Cần phải hành động nhiều hơn nữa để chống lại nạn buôn người cũng như bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Những nỗ lực chung sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Mạng lưới phòng chống buôn bán người nhân cơ hội này đưa ra một số khuyến nghị cho Chính phủ trong công tác phòng chống buôn bán người và thúc đẩy bảo vệ nạn nhân:

  1. Tăng cường công việc thu thập số liệu và cung cấp số liệu thống kê về hoạt động bất hợp pháp này, nhằm hỗ trợ việc xác định các yếu tố dẫn đến nguy cơ bị bóc lột, tăng cường cơ chế chuyển tuyến và các dịch vụ bảo vệ nạn nhân

  2. Thực hiện một nghiên cứu toàn diện cấp quốc gia về tình hình buôn bán người, tập trung vào hình thức buôn bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động, từ đó có thể xây dựng những can thiệp hợp lý

  3. Tiếp tục cải cách khung pháp lý để đảm bảo rằng tất cả các hình thức buôn bán người đều bị hình sự hóa theo tiêu chuẩn quốc tế

  4. Tăng cường công tác quản trị nhà nước, giám sát việc tuyển dụng lao động để ngăn chặn hành vi tuyển dụng vô đạo đức, và xem xét các quy định nghiêm cấm áp dụng phí tuyển dụng

  5. Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước và các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống buôn bán người, nâng cao nhận thức về vấn đề này đặc biệt ở cấp cơ sở bao gồm cả trường học

  6. Thực hiện các chính sách để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong nhóm dễ bị tổn thương

  7. Mở rộng phạm vi hỗ trợ nạn nhân, bao gồm cả những người tự trốn thoát và tự trở về, và sửa đổi các thủ tục hỗ trợ nạn nhân để họ được hỗ trợ tài chính và đào tạo nghề

  8. Mở rộng và tăng cường các hoạt động phòng chống buôn bán người trong nước bao gồm công tác điều tra và xác định nạn nhân

  9. Đảm bảo tất cả tiền và tài sản tịch thu được từ việc buôn bán người được dùng để hỗ trợ cho các chương trình phục hồi và tái hòa nhập, bao gồm cả bồi thường cho nạn nhân

  10. Tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực trọng điểm, điều tra, truy tố thủ phạm và các mạng lưới tội phạm

Mạng lưới phòng chống buôn bán người nhân cơ hội này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ quyền của nạn nhân bị buôn bán, bất kể tuổi tác, giới tính hay tình trạng pháp lý của họ.

  • Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi quy định về trẻ em để định nghĩa trẻ em là bất cứ người nào dưới 18 tuổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

  • Nạn nhân không bị giam giữ, không phải chịu trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự vì họ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khi sự tham gia của họ là hậu quả của nạn buôn bán người.

  • Các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ cần được thiết kế riêng để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của nạn nhân bị buôn bán, bao gồm bảo vệ thể chất, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ sự riêng tư, tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, chăm sóc thay thế, và các dịch vụ tái hoà nhập.

Tuyên bố chung của Mạng lưới phòng chống buôn bán người phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề buôn bán người cũng như hợp tác để cải thiện các chính sách và chương trình phòng chống buôn bán người tại Việt Nam. Mạng lưới phòng chống buôn bán người sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ để phản ánh đầy đủ các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống nạn buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán ở Việt Nam.

Ngày xuất bản 28 July 2017