Việt Nam - Báo cáo nhân quyền 2013 của Bộ Ngoại giao Anh
Updated 21 January 2015
Báo cáo nhân quyền 2013 của Bộ Ngoại giao Anh
(Bản dịch không chính thức)
1. Việt Nam
Tuy Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong năm 2013, tình hình nhân quyền nhìn chung vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong tháng 8, Việt Nam đã nối lại việc thi hành án tử hình sau một thời gian gần hai năm dừng lại. Việc bắt giữ và đe dọa với blogger, những người tham gia biểu tình và những người bảo vệ nhân quyền (NBVNQ) tăng lên trong năm. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một luật mới nhằm điều chỉnh việc sử dụng internet và thực tế đã thắt chặt quản lý hoạt động này. Về mặt tích cực, những NBVNQ ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn hơn và họ đã có thể gây tiếng vang đối với một số vấn đề nhân quyền của Việt Nam, mà một trong những hoạt động là tổ chức cuộc diễu hành đầu tiên của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT). Việt Nam cũng đã ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và đã giành được một vị trí trong Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).
Năm 2013, mục tiêu về nhân quyền của Vương quốc Anh tại Việt Nam là: ủng hộ tự do ngôn luận; tăng cường nhận thức về vai trò tiềm năng của truyền thông trong việc xây dựng nhà nước có trách nhiệm và có tính giải trình cao; tăng cường tranh luận về án tử hình, đặc biệt là số lượng tội danh chịu án tử hình; thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề như quyền đất đai; và đấu tranh chống tham nhũng.
Nhìn chung, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình trong hệ thống luật pháp và trong môi trường chính trị tồn tại ở nhà nước độc đảng của Việt Nam vẫn là những vấn đề lớn nhất cản trở tiến bộ. Vương quốc Anh đã nêu vấn đề nhân quyền ở tất cả các trao đổi các cấp với chính phủ Việt Nam, bao gồm cả trong chuyến thăm của ngài Tổng Bí Thư tới Anh trong tháng 2 và trong cuộc đối thoại chiến lược Anh – Việt Nam vào tháng 10. Chúng tôi cũng tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác EU khác để khuyến khích Việt Nam hướng tới những đối thoại cởi mở và thẳng thắn về vấn đề nhân quyền, gồm cả qua cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa EU – Việt Nam lần thứ ba vào tháng 9.
Chúng tôi đã thực hiện những dự án, sử dụng tiền từ quỹ Nhân quyền và Dân chủ, với trọng tâm là giúp nhà báo an toàn hơn và tăng cường tiếp cận thông tin cho nhà báo. Chúng tôi cũng tự hào là sứ quán đầu tiên ở Việt Nam sử dụng website của mình để đăng một blog ủng hộ cho quyền của người LGBT, một phong trào vận động ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Năm 2014 sẽ trở thành điểm nhấn trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Với việc giành được một ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và với Rà soát định kỳ phổ quát vào tháng 2, tình hình nhân quyền của Việt Nam đang được dư luận trong nước và quốc tế theo dõi ngày càng sát sao. Nếu Việt Nam lựa chọn, đây sẽ là một cơ hội tốt cho Việt Nam thực hiện các cam kết tuân theo các chuẩn mực quốc tế và sự quyết tâm trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền. Việt Nam đã chọn những trọng tâm của mình trong kỳ Rà soát định kỳ phổ quát là: tăng cường giáo dục về quyền con người; tăng cường hệ thống pháp luật và chính sách về quyền con người; và thực hiện những cam kết với quốc tế về quyền con người. Chúng tôi mong được hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết này, và sẽ sử dụng cơ hội này để mở rộng đối thoại nhân quyền với chính phủ Việt Nam. Những ưu tiên của chúng tôi vẫn sẽ là khuyến khích những tranh luận trong nước về án tử hình và khuyến khích việc giảm số tội danh mang án tử hình; ủng hộ mở rộng minh bạch; và giảm tham nhũng thông qua hợp tác với các cơ quan chính phủ và trong khu vực tư nhân. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ vận động chính quyền Việt Nam cho phép đưa cuộc diễu hành của người LGBT trở thành một sự kiện chính thức.
1.1 Quyền tự do ngôn luận
Vương quốc Anh lo ngại một cách sâu sắc về những vi phạm quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Những người chỉ trích chính phủ hoặc những cá nhân thể hiện quan điểm khác với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên bị theo dõi, sách nhiễu, bắt giam, và chịu án tù.
Trong tháng 7 và tháng 8, một liên minh rộng rãi các nhà vận động đã thành lập “Nhóm 258” với mục tiêu thúc đẩy nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Nhóm đã có một số hoạt động cụ thể, bao gồm có việc vận động bãi bỏ Điều 258 Luật hình sự (phạt tù giam những người “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước” và nêu rõ cam kết của Việt Nam với tư cách là ứng cử viên cho một ghế trong Hội đồng nhân quyền. Nhóm đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và EU đã gặp gỡ đại diện của nhóm ngay trước Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng chín. Sau đó, một thành viên trong nhóm và gia đình đã bị Bộ Công an sách nhiễu và tạm giữ.
Vào tháng 9, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định 72 để kiểm soát internet, kể cả những vi phạm bản quyền. Những nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại rằng nghị định sẽ được sử dụng để ngăn cản quyền tự do ngôn luận, kể cả quyền ngôn luận trên những trang mạng xã hội. Vương quốc Anh ủng hộ một tuyên bố của Nhóm tự do trên mạng nhấn mạnh những cam kết về nhân quyền của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận và, thông qua Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam, đã đưa vấn đề này ra thảo luận với chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam hiện tại đã bắt đầu quá trình soạn thảo qui định hướng dẫn thực hiện nghị định này. Cho đến này, chưa có trường hợp nào được đưa ra xét xử theo Nghị định 72.
Trong thời gian xung quanh ngày Quốc tế nhân quyền trong tháng mười hai, một số mạng xã hội đã có thông báo về việc cảnh sát sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền. Một số bức ảnh và đoạn phim được lưu truyền cho thấy các blogger bị đánh tại nhà của họ. Chúng tôi cho rằng những hình ảnh này là chân thực. Tuần trước đó, hai cuộc tụ họp của các nhà hoạt động nhằm chào mừng ngày nhân quyền ở một công viên ở Hà Nội đã bị công an đàn áp, trong đó có sự tham gia của cả công an mặc thường phục.
Vương quốc Anh đã hỗ trợ cho ba dự án truyền thông đẩy mạnh quyền tự do ngôn luận. Dự án đầu tiên đã thiết lập quan hệ đối tác giữa chính quyền đại phương tỉnh Đak Lak (Tây Nguyên) và tổ chức phi chính phủ RED Communication (Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển) nhằm tăng cường hiểu biết của công chúng về quyền của nhà báo. Những hoạt động này sẽ giúp nhà báo an toàn hơn và tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan truyền thông và cơ quan chính quyền. Hiện nay luật pháp đã có sửa đổi để đảm bảo các nhà báo được bảo vệ tốt hơn và có thể tiếp cận thông tin hiệu quả hơn, kể cả số lượng khoảng 5,000 người không có thẻ nhà báo.
Dự án thứ hai là một chuỗi các hội thảo và hội nghị do Bộ ngoại giao Anh tài trợ nằm thảo luật về những phản ứng của chính quyền với các cáo buộc của truyền thông, do MEC (Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng) với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông. Một kết của của dự án chính là nghị định 159/2013 nhằm đưa ra chế tài cho người phát ngôn của chính phủ không trả lời câu hỏi của báo chí hoặc những người cung cấp thông tin không chính xác cho báo chí. Mục tiêu của dự án là mở rộng khả năng tiếp cận thông tin của công chúng.
Dự án thứ ba, cũng do Bộ ngoại giao tài trợ và Quỹ Châu Á thực hiện, tập trung vào tác động đối với của báo chí điều tra. Cho dù mới ở trong giai đoạn đầu, dự án đã có những kết quả bước đầu là chính quyền quận huyện đã mời nhà báo đến đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng và chính quyền tham gia cung cấp các tập huấn chính thức cho nhà báo.
1.2 Án tử hình
Vương quốc Anh vẫn lo ngại sâu sắc về một loạt các tội danh, gồm cả tội kinh tế, phải chịu mức tử hình và đã thuyết phục chính phủ Việt Nam trong tất cả các cơ hội tiếp xúc giảm số tội phải chịu án tử hình. Đã có ít nhất bảy án tử bị thi hành kể từ khi án tử hình bắt đầu bị xử lại từ tháng tám năm 2013, bắt đầu bằng việc thi hành án với tội phạm Nguyễn Anh Tuấn. Việc thi hành án tử hình đã bị ngừng trên thực tế kể từ tháng mười một năm 2011 do Việt Nam không thể sản xuất thuốc độc tiêm để thi hành án. Việc vận động bãi bỏ án tử hình trên toàn cầu là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh, và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tiếp tục thi hành án tử hình với Bộ ngoại giao Việt Nam. EU, với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, đã đưa ra một thông cáo lên án việc xử tử hình với ông Nguyễn.
Vào tháng mười 11, Vũ Quốc Hảo, giám đốc một chi nhánh ngân hàng của Việt Nam và Đặng Văn Hai, chủ tịch một công ty xây dựng, đã bị tuyên án tử hình vì dính líu tới một vụ lừa đảo tài sản trị giá tới 25 triệu USD.
Những bản án bị xử tử hình là bí mật nhà nước, nhưng những số liệu không chính thức cho thấy hiện nay có tới trên 570 phạm nhân đang chờ thi hành án tử hình. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, 116 phạm nhân sẽ sớm phải thi hành án vì họ đã mất quyền kháng án. Vào tháng 11 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đề xuất áp dụng lại xử bắn ngoài hình thức tử hình bằng tiêm thuốc cho tới cuối năm 2015.
1.3 Quyền tự do tôn giáo và tư tưởng
Có một số bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam đang mở rộng không gian bày tỏ ý kiến về tôn giáo, nhưng lại rất cứng rắn với những thành viên nhóm tôn giáo mà họ tin là tham gia phong trào chính trị hoặc biểu tình.
Hầu hết người Việt Nam đều có thể theo một tôn giáo nào mà họ lựa chọn và rất nhiều các lãnh đạo bộ, bao gồm cả Thủ tướng, là những tín đồ phật giáo công khai. Việt Nam đã tăng số lượng nhà thờ và các địa điểm thờ cúng được cấp phép hoạt động. Vương quốc Anh cũng rất tích cực thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và tư tưởng tại Việt Nam. Thành viên Đại sứ quán Anh đã thăm Đại đức Thích Quảng Độ của Phật giáo thống nhất (một nhà tu hành nổi tiếng bị quản thúc tại nhà và cũng là nhà vận động lâu năm cho tự do) và nhóm các nhà đấu tranh thiên chúa của tỉnh Nghệ An để trao đổi về những vấn đề tự do tôn giáo vào mùa thu.
Trong tháng 1, mười bốn nhà hoạt động công giáo, blogger và các nhà báo công dân đã bị buộc tội có liên hệ với mạng lưới Việt Tân, vốn bị cấm ở Việt Nam, và bị buộc tội lật đổ. Tòa xử kín và đã kết án từ 13 năm tù tới ba năm tù, trong đó có một người được xử án treo. Tại phiên phúc thẩm, mức án cho ba nhà hoạt động được giảm từ 6 tới 12 tháng và riêng trường hợp Paulus Lê Văn Sơn được giảm từ 13 năm xuống 4 năm tù. Vương quốc Anh, cùng với các cơ quan ngoại giao khác, đã gặp gỡ gia đình của 14 nhà hoạt động và tiếp nhận một đơn kêu cứu kêu gọi thả người thân của họ; chúng tôi cũng ủng hộ bản thông cáo của EU vào tháng chín, kêu gọi Việt Nam thực hiện quyền căn bản về tự do ngôn luận. Vào tháng chín, công an và những người biểu tình công giáo đã xô xát tại Nghệ An, với kết quả là một số người bị thương. Những người biểu tình cho rằng công an đã sử dụng vũ lực quá mức trong một cuộc biểu tình có tổ chức nhằm kêu gọi thả hai người công giáo trẻ (bị giam do phá rối trật tự công cộng). Bộ Ngoại giao, trong một tuyên bố chính thức và trong các cuộc gặp với thành viên của EU, phủ nhận việc sử dụng vũ lực quá đáng. Chúng tôi hoan nghênh việc chính phủ đã hành động minh bạch hơn sau sự việc này, tuy nhiên vẫn tiếp tục lo ngại rằng những nhóm phản đối hoạt động của chính phủ, bao gồm cả những nhóm tôn giáo, tiếp tục bị gây sức ép không đáng có.
1.4 Tiếp cận với luật pháp và pháp quyền
Vương quốc Anh bảo lưu những lo ngại về hệ thống tư pháp và pháp luật thiếu sự độc lập, khách quan và minh bạch. Bộ luật tố tụng hình sự nêu rõ rằng bị cáo có quyền có luật sư trong quá trình điều tra của cảnh sát; tuy nhiên, quyền này trên thực tế thường bị từ chối. Việc thiếu đại diện pháp lý đủ năng lực thường dẫn tới kết quả là quá trình tố tụng không công bằng và nhiều nguy cơ ép cung để nhận tội. Đã trở thành một qui tắc trong quá trình xét xử, một hội đồng thẩm phán sẽ quyết định dựa phần lớn vào tài liệu do cơ quan công an chuẩn bị. Luật sư của bị cáo có vai trò hạn chế ở phiên tòa và bị cáo có rất ít cơ hội để bổ sung hoặc phủ nhận thông tin trong hồ sơ của cơ quan công an.
Điều này tạo ra rủi ro lớn của việc buộc tội không đủ bằng chứng. Giới truyền thông gần đây có tập trung vào trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, bị kết án tù chung thân năm 2004 do giết hại một người phụ nữ. Ông đã viết đơn nhận tội và nói rằng mình đã bị tra tấn tới khi đồng ý viết đơn. Gần đây, một người đàn ông khác đã đứng ra nhận tội và ông Chấn được tạm thời thả ra, trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra.
Vương quốc Anh ủng hộ quá trình cải cách tư pháp thông quá Chương trình Đối tác hợp tác tư pháp do Hội đồng Anh quản lý. Chương trình này khuyến khích thay đổi trong ba cơ quan tư pháp: Bộ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiếm sát nhân dân tối cao (cơ quan gần như tương đồng với Văn phòng công tố nhà nước). Vào năm 2013, chương trình đã hỗ trợ việc sử đổi luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân và Tòa án nhân dân, phát triển một hệ thống lưu hồ sơ hình sự, và hiện tại đã hoàn thành việc sửa đổi và phát triển chiến lược quốc gia về trợ giúp tư pháp cho công chúng.
1.5 Quyền của phụ nữ
Việt Nam đang tiến gần tới việc hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ về giới, và có sự tham gia gần như cân bằng của cả nam và nữ vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, một số vấn đề như bạo hành gia đình và buôn bán người vẫn là những thách thức nghiêm trọng. Vương quốc Anh đã có một loạt các hoạt động hỗ trợ, bao gồm cả việc tạo cơ hội việc làm mới cho nạn nhân của tình trạng buôn người và hỗ trợ cho nạn nhân của bạo hành.
Vào tháng 6 năm 2013, Đại sứ quán Anh đã khai trương một nơi nương tựa do Vương quốc Anh tài trợ, Mái ấm tình thương Lào Cai nằm gần biên giới Việt Nam – Trung quốc, dành cho phụ nữ trẻ là nạn nhân của buôn người. Mái ấm tình thương Lào Cai hoạt động thông qua quan hệ đối tác với chính quyền Việt Nam và một tổ chức phi chính phủ. Hơn 20 trẻ em gái và phụ nữ đã nhận hỗ trợ của Mái ấm kể từ tháng sáu năm 2013. Đại sứ quán Anh cũng tài trợ cho một dự án có tên gọi “Hoạt động nâng cao năng lực cho nạn nhân của bạo lực giới” tại quận Đống Đa và huyện Thạch Thất Hà Nội từ tháng sáu năm 2013. Dự án đã mở rộng quyền cho phụ nữ Việt Nam trong môi trường xã hội địa phương. Dự án hướng tới phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực về giới (gồm có bạo hành gia đình, buôn người và xâm hại tình dục); những lao động thời vụ từ nông thôn (người bán rong, người thu nhặt ve chai và người giúp việc); và cộng đồng địa phương (cơ quan chính quyền địa phương, những người cung cấp dịch vụ, các thành viên trong gia đình và những người gây án). Mỗi nhóm sẽ được tư vấn miễn phí, được bảo vệ và dạy kỹ năng sống.
1.6 Quyền của LGBT
Vào tháng tám, Việt Nam đã tổ chức sự kiện Tự hào đồng tính đầu tiên tại Hà Nội. Sự kiện không chính thức này đã thu hút sự quan tâm của truyền thông trong nước và quốc tế, và được những người tổ chức đánh giá là thành công. Những tổ chức phi chính phủ vận động cho thay đổi về LGBT có thể tiếp cận hiệu quả với chính phủ. Chúng tôi hi vọng rằng chính phủ Việt Nam cũng có thể lắng nghe tích cực như vậy với các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền khác. Vương quốc Anh rất ủng hộ chương trình hoạt động vận động cho LGBT và chúng tôi cũng là đại sứ quán đầu tiên sử dụng chính website của mình để đăng một blog rất thu hút người đọc do một nhà hoạt động LGBT viết. Chúng tôi đã lên tiếng về tầm quan trọng của vấn đề LGBT trong các thảo luận đa phương về Rà soát định kỳ phổ quát.
1.7 Quyền của người dân tộc thiểu số
Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn được hưởng lợi ít hơn từ sự phát triển này. Vương quốc Anh cũng rất chú trọng cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong các chương trình phát triển của tổ chức, và chúng tôi có những nỗ lực theo dõi và tăng cường nhận thức về những thách thức hiện tại cũng như hỗ trợ giáo dục và hệ thống an sinh xã hội. Vào năm 2013, Vương quốc Anh đã hỗ trợ một liên minh gồm các cá nhân dân tộc thiểu số, tăng cường khả năng của các cộng đồng rừng vận động cho quyền của họ được lắng nghe và đưa vào trong các sửa đổi trong luật bảo vệ và phát triển rừng.
1.8 Quyền trẻ em
Việt Nam đã đi một số bước cùng với các đối tác quốc tế nhằm tăng cường bảo về và quyền lợi cho trẻ em. Buôn bán bất hợp pháp trẻ ra nước ngoài là một vấn đề, với việc trẻ em Việt Nam chiếm một số lượng lớn các trẻ em bị buôn lậu tới Anh, chủ yếu là cho mục đích tội phạm và bóc lột lao động. Vào tháng hai, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Lahay về nuôi con nuôi quốc tế, Công nước nhắm tới giảm bắt cóc và đảm bảo lợi ích của trẻ trở thành mục tiêu chính của quá trình nhận nuôi trong một nước hay các trường hợp nhận con nuôi quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng làm việc với Vương quốc Anh để đưa về nước một số người vi phạm tình dục bị Anh bắt được và cùng với Quỹ trẻ em của Liên hợp quốc đặt một hệ thống phúc lợi xã hội tốt hơn. Một trong những yếu tố của lĩnh vực này là giáo dục, lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về tiếp cận giáo dục tiểu học, gần như đạt tới tỉ lệ nhập học đạt 98% tại tiểu học, bao gồm cả tiếp cận bình đẳng cho cả bé trai và bé gái.
Trong năm 2013, Vương quốc anh đã tài trợ 3 triệu bảng nhằm tăng cường khả năng của trẻ em tiếp cận với giáo dục tiểu học ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Chương trình đã hỗ trợ cho 500,000 học sinh, khoảng 44% trong số đó là học sinh người dân tộc thiểu số, tại 46 tỉnh kể từ năm 2010.